Lấy cắp thông tin cá nhân, một nhân viên nhà đất Trung Quốc đã trái phép chuyển đổi tên chủ sở hữu của ít nhất 10 căn nhà và rao bán.

Hơn 10 người sinh sống ở một thành phố thuộc miền nam Trung Quốc phát hiện ngôi nhà mình đang sở hữu bỗng nhiên bị một người khác rao bán sau khi thông tin cá nhân bị đánh cắp.

Một người đàn ông họ Li sinh sống ở thành phố Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc đã tới văn phòng bất động sản ở địa phương để rao bán căn nhà mình đang sở hữu hồi tháng Chín. Tại đây, anh Li đã được một nhân viên tên Wei Yuanpeng yêu cầu cung cấp thông tin nhận diện khuôn mặt để làm hồ sơ, theo thông tin được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố hôm 9/12.

Giật mình nhà chính chủ bỗng bị người khác rao bán - 1
Đối tượng Wei đã đánh cắp thông tin cá nhân và trái phép chuyển đổi quyền sở hữu của những ngôi nhà chính chủ cho người khác. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)

Theo đó, nhân viên họ Wei đã dùng ứng dụng “Yongedeng” trên điện thoại của anh Li để quét hình ảnh khuôn mặt anh Li. Trên thực tế, đối tượng Wei đã nói dối anh Li về việc chỉ dùng thông tin nhận diện khuôn mặt để truy cập dữ liệu làm hồ sơ mua bán nhà đất. Hắn đã bí mật thay đổi quyền sở hữu ngôi nhà của anh Li cho một người khác bằng cách dùng thông tin nhận diện khuôn mặt của anh Li.

Tới ngày 10/12, trung tâm đăng ký nhà đất thành phố Nam Ninh thông báo đơn vị này đã cho nâng cấp ứng dụng Yongedeng sau khi nhận được thông tin liên quan tới vụ lừa đảo của anh Li.

“Ứng dụng sau khi được nâng cấp sẽ báo cho người dùng về việc mỗi lần thông tin nhận diện khuôn mặt của họ được dùng cho mục đích gì”, một nhân viên của trung tâm đăng ký nhà đất thành phố Nam Ninh chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Điều đáng nói, anh Li không phải là nạn nhân duy nhất của đối tượng Wei. Theo đó, Wei đã thay đổi quyền sở hữu của ít nhất 10 ngôi nhà khác bằng cách dùng thông tin nhận diện khuôn mặt của các chủ sở hữu. CCTV cho hay, giá trị của 10 căn nhà này là khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,53 triệu USD). Hiện cảnh sát địa phương đã cho mở cuộc điều tra đối tượng Wei, cũng như phong tỏa mọi giao dịch liên quan tới những ngôi nhà bị Wei hoán đổi chủ sở hữu trái phép.

“Hành động của Wei bị xem là tội lừa đảo. Hành động phi pháp của Wei cũng sẽ giúp chính quyền Trung Quốc nâng cấp các bộ luật và quy định để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của người dân”, các chuyên gia pháp lý cho hay.

Luật bảo vệ thông tin cá nhân trong tương lai của Trung Quốc sẽ điều chỉnh quy định thu thập thông tin cá nhân ở những nơi công cộng bao gồm thông tin nhận diện khuôn mặt. Theo đó, những thông tin này có thể chỉ được dùng cho mục đích an ninh công cộng và các cá nhân cần được biết về việc thông tin của họ đã được thu thập, theo luật sư Shi Yuhang.

Cũng theo ông Shi, Mã Công dân sẽ có hiệu lực thi hành tại Trung Quốc vào tháng 1/2021. Quy định cũng khẳng định, những người thu thập thông tin cần công khai mục đích, phương thức thực hiện và phải thông báo cũng như cần có sự cho phép của người được thu thập thông tin.

“Sau đó, chúng ta cần có thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ sự riêng tư của mỗi người dân”, ông Shi nhấn mạnh.

Ở cấp địa phương, một số thành phố của Trung Quốc như Thiên Tân đã ban hành các chính sách ngăn chặn việc thu thập thông tin trái phép và ngăn chặn tình trạng lạm dụng thông tin cá nhân của người khác trước khi Mã Công dân chính thức được ban hành.

Theo Minh Thu

VietnamNet/Infonet