Xu hướng mua nhà cũ làm mới rồi bán lại đang được nhiều người đầu tư bất động sản áp dụng vì loại hình kinh doanh này khá hấp dẫn, thu lợi nhanh, nhất là nhà cũ tại những đô thị lớn.
Chục năm nay, anh Nguyễn Văn Hưởng, 40 tuổi, một kỹ sư kiêm nhà thầu xây dựng vừa làm công việc của chính mình vừa săn nhà xập xệ để xây mới rồi bán lại. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề xây dựng, người đàn ông này rất hiểu nhu cầu nhà ở của số đông dân cư.
Bản thân anh cũng có thể tự thẩm định được giá cả nhà đất ở nhiều khu vực, kể cả nội thành và ngoại thành. Ngoài ra, anh cũng có một đội thợ xây dựng nhà ở với chi phí rẻ nhất.
Nhờ những yếu tố thuận lợi như vậy mà năm qua, anh Hưởng “đánh đâu thắng đó”. Đặc biệt, trong năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, công việc của anh bị trồi sụt, thu nhập bị cắt giảm một phần, song anh Hưởng không hề nao núng. Với số vốn hạn chế chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng trong tay, anh quyết định đầu tư mua nhà cũ nát để sinh lời.
Khi thấy anh quyết định đầu tư vào phân khúc này, người thân gàn rất nhiều. Tuy nhiên, thấy bản thân am hiểu về thị trường và tin chắc sẽ thắng nên anh vẫn âm thầm chọn nhà phố cấp 4 cũ kỹ hoặc nhà nát để mua.
“Những căn nhà này giá rẻ hơn nhiều so với nhà xây mới. Mua xong, chỉ cần bỏ thêm vài chục triệu đến vài trăm triệu sửa chữa, cải tạo lại cho sáng đẹp long lanh là đã có thể bán với mức giá gấp đôi để sinh lời”, anh Hưởng chia sẻ.
Tất nhiên, anh Hưởng cũng tiết lộ, để săn được những căn nhà nát có giá hợp túi tiền với đa số người mua, anh phải giương hết các giác quan, nhờ thật nhiều “cò” tại các quận, huyện gần trung tâm Hà Nội, Hà Đông, Gia Lâm, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thạch Thất… Sau đó, bắt buộc phải sửa chữa, xây mới thì mới có giá tốt và dễ bán.
Người đàn ông 40 tuổi này kể, 4 tháng trước, anh quyết định bỏ ra 1,8 tỷ đồng mua căn nhà cấp 4 với diện tích 40m2 ở phố Xốm, Hà Đông, Hà Nội. Đường vào nhà rộng 2,5m, cách 2 nhà là ra đường quốc lộ 21B.
“Mặc dù thời điểm quyết định mua chỉ là căn nhà cấp 4 cũ nát hoàn toàn, nhưng do tôi nắm được thông tin khu vực này sẽ mở rộng đường lên 8m. Nhận thấy có triển vọng cao nên tôi không ngần ngại vay người thân để chi thêm 400 triệu xây căn nhà 3 tầng, 1 tum với 4 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 1 sân phơi. Khi xây xong, nhà cũ trở nên khác lạ, đẹp hơn hẳn và có rất nhiều người hỏi mua”, anh Hưởng kể.
Thấy chưa lãi được nhiều, anh Hưởng vẫn quyết định chưa bán. Sau đó 4 tháng, anh mới bán với giá 3,2 tỷ đồng.
“Tính ra có 4 tháng tìm thợ xây nhà mới và thỉnh thoảng đảo qua đảo lại trông nom, nhưng tôi đã lãi ngay 1 tỷ đồng. Đó là do tôi may mắn nên không phải ôm “trái đắng” hay bị lỗ nặng hoặc bị chôn vốn như nhiều người khác. Chưa kể, nhờ chọn được những căn nhà có vị trí đẹp và tối ưu chi phí sửa chữa, xây mới, tôi không bị hao phí quá nhiều tiền. Bởi thế nhà bán được giá cao và rất dễ bán”, anh Hưởng tâm sự.
Có 3,2 tỷ đồng trong tay, sau khi trả nợ, người đàn ông này tiếp tục mua một ngôi nhà nát diện tích lớn hơn căn nhà trước, ở khu vực sầm uất hơn.
“Tôi cũng vừa tìm được một mảnh đất ở gần khu dịch vụ Vạn Phúc, Hà Đông. Đất rộng 50m2, hai mặt tiền nằm trong ngõ 2,8m2 với giá 3 tỷ đồng, định là vay thêm vài trăm triệu để xây mới. Hai bên thuận mua vừa bán, tôi đặt cọc 300 triệu đồng. Nhưng chỉ một tuần sau, một nhà đầu tư khác nằng nặc bảo tôi bán lại cho họ giá 3,5 tỷ đồng.
Như vậy, mới đặt cọc thậm chí chưa hoàn tất quá trình mua bán với chủ trước, tôi đã sang tay được ngay, lãi 500 triệu đồng. Tính ra 4 tháng qua, nhờ mua nhà cũ và đất tôi có ngay 1,5 tỷ đồng trong tay và dồn số tiền này vào làm vốn kinh doanh tiếp”, anh Hưởng khoe.
Theo Thảo Nguyên
VietnamNet