Thị trường bất động sản luôn nhạy cảm với quy hoạch, nếu không được kiểm soát kịp thời, sốt đất có thể xảy ra và để lại nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản thành phố Thủ Đức.

Mới đây, UBTV Quốc Hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố (TP) Thủ Đức thuộc TPHCM. Theo đó, TP này được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 quận Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP này có tổng diện tích trên 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người. Dự kiến đóng góp 30% GDP TPHCM và 7% GDP cả nước.

Lo ngại sốt đất ăn theo Thành phố Thủ Đức - 1

Thúc đẩy thị trường bất động sản

Mặc dù đến 1/1/2021 quyết định này mới có hiệu lực, thế nhưng cách đây vài tháng khi đề án thành lập đang được đưa ra bàn thảo luận, thị trường bất động sản TP Thủ Đức đã tăng nhiệt vượt khu trung tâm.

Theo dữ liệu báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong quý III/2020, trung bình mỗi tuần có gần 2.000 tin rao bán liên quan đến khu vực được quy hoạch trung tâm hành chính, kinh tế của TP Thủ Đức như phường Linh Trung (quận Thủ Đức), khu Tam Đa (quận 9) và phường Trường Thọ (quận 9), mức giá tăng thêm từ 2 – 3%.

Xét về biên độ tăng giá nhà đất, so sánh với cùng kỳ 2019, mức tăng giá chung cư ở các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8% trong khi mức độ tăng giá căn hộ trung bình khu trung tâm TP.HCM chỉ 5%.

Lo ngại sốt đất ăn theo Thành phố Thủ Đức - 2
TP Thủ Đức sẽ là động lực thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho rằng, việc thành lập TP. Thủ Đức đã đẩy mạnh tâm lý đầu tư ở khu vực này. Đặc biệt, sự phát triển của TP Thủ Đức sẽ không chỉ tác động tới BĐS của TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến đô thị vệ tinh là Bình Dương và Đồng Nai. Đây sẽ là tín hiệu rất tốt cho thị trường BĐS khu Đông, trên nền tảng sẵn có tiềm năng.

Nguy cơ thổi giá

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lo ngại rằng các nhà đầu tư, “cò đất” sẽ thổi giá BĐS quá cao ở những khu vực được dự kiến là trung tâm thành phố. Ngoài ra tình trạng ăn theo quy hoạch cũng sẽ gây nên những hệ lụy về giá BĐS.

Đồng quan điểm, theo ghi nhận của Công ty DKRA Việt Nam, hiện mặt bằng giá chung của thị trường TP Thủ Đức đã có sự tăng mạnh khi giá chung cư dao động ở mức 40 – 80 triệu đồng/m2, đất nền là khoảng 200 triệu đồng/m2. Trung bình, giá nhà xây sẵn không dưới 9 tỷ đồng và nhà phố dự án có thể lên tới 22 tỷ đồng/m2.

Ở các khu vực vốn chủ yếu là đất nông nghiệp, đất công cây hàng năm cũng đang được thổi giá với mức 20 – 22 triệu đồng/m2, trong khi đó từ lâu chỉ nằm ở mức 15 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, Công ty DKRA Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản vốn rất nhạy cảm với quy hoạch, do đó giá bán có thể còn tăng mạnh ở cả thị trường thứ cấp. “Tôi e rằng, trong 5 năm nữa, khu vực này sẽ trở thành một khu đô thị của những người có điều kiện”, ông Hoàng lo ngại.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cho rằng khi phát triển TP Thủ Đức, cần rút ra các bài học từ các khu đô thị phía Nam đã từng. Đơn cử như KĐT mới Thủ Thiêm cũng từng được kỳ vọng sẽ hiện đại như phố Đông Thượng Hải (Trung Quốc), tuy nhiên, sau khi triển khai đã bị can thiệp tùy tiện điều chỉnh dành đất cho các dự án BĐS tư nhân. Kết quả là dự án trì trệ, khiếu nại kéo dài, đến nay vẫn không dứt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu, chính quyền TP HCM cần có giải pháp để tạo cơ hội cho những người dân sống lâu năm tại các quận trên phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ bán lúa non. Đồng thời, phải tạo ra cơ hội như có quỹ đất lớn để đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển các dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của TP mới.

Đặc biệt, cần minh bạch các thông tin quy hoạch để mọi người dân nắm càng nhanh càng tốt, hạn chế việc đầu cơ, gây sốt ảo trên thị trường BĐS.

Theo Diệu Hoa

Theo tờ báo Dân trí