Dân trí

Không ít vụ người mua căn hộ và chủ đầu tư xảy ra tranh chấp liên quan đến 2% phí bào trì. Nhiều vụ việc không được xử lý triệt để dẫn đến kéo dài, gây khó khăn trong quản lý, vận hành chung cư.

Nguồn cơn tranh chấp

Hiện cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TPHCM) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) làm chủ đầu tư  đang đấu tranh với chủ đầu tư đòi bàn giao số tiền hơn 5,8 tỷ đồng phí bảo trì.

Thời gian qua, nhiều hạng mục thuộc sở hữu của chung cư đã có dấu hiệu xuống cấp và cần phải được sửa chữa, bảo trì. Tuy nhiên, Ban quan trị (BQT) đã không có kinh phí để thực hiện dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Tháng 5/2019, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính 125 triệu đồng đối với Công ty Khang Gia về hành vi không bàn giao phí bảo trì. Phạt thì phạt, Công ty Khang Gia vẫn chưa hoàn thành việc chuyển giao tiền.

Trước sự việc trên, UBND quận Tân Phú đã kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Xây dựng tiến hành cưỡng chế chủ đầu tư để bàn giao phí bảo trì theo đúng quy định.

Tương tự, tại chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8) cũng xảy ra tình trạng tranh chấp phí bảo trì giữa người mua nhà và chủ đầu tư là Công ty CP Lê Minh M.C.

Cụ thể, chủ đầu tư đã “ôm” số tiền hơn 4 tỷ đồng phí bảo trì mà không chịu bàn giao cho BQT. Tuy nhiên, dưới sức ép của người dân, Công ty Lê Minh M.C chỉ mới bàn giao số tiền 1,2 tỷ đồng.

Tháng 12/2019, UBND TPHCM ra quyết định xử phạt chủ đầu từ 125 triệu đồng liên quan đến việc không bàn giao đủ phí bảo trì cho BQT. Đồng thời, buộc Lê Minh M.C phải bàn giao đúng số tiền còn thiếu.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt.

Cụ thể, trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết, có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì (chiếm 77%).

Đáng chú ý, một số chủ đầu tư né tránh việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Nhiều chung cư chưa lập quy trình bảo trì, chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ bảo trì và lắp đặt thiết bị vào chung cư khiến cho các tranh chấp ngày càng gay gắt.

Không cho chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư sẽ hết tranh chấp? - 1

Nhiều chủ đầu tư sau khi thu 2% phí bảo trì đã không chịu bàn giao lại cho Ban quản trị chung cư

Không cho chủ đầu tư thu phí bảo trì

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM đã kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, tại một số chung cư, chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu BQT, không bàn giao kinh phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Từ đó, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nơi…

Kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Trong khi đó, các chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 còn thiếu nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, các hệ thống PCCC…, kết cấu công trình dần xuống cấp sau hơn 20 năm sử dụng nhưng không có kinh phí bảo trì. Lý do là hầu hết các chung cư này không có quỹ bảo trì.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TPHCM còn cho rằng, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể về biện pháp chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị vận hành.

Từ đó, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư hiện nay. Để hình thành phí bảo trì, BQT chung cư sẽ chịu trách nhiệm thu của các chủ sở hữu căn hộ. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Về tình hình tranh chấp phí bảo trì hiện nay, Sở Xây dựng thành phố cho rằng cần phải điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho BQT theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.

Quế Sơn