Với việc nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết chủ động tái cấu trúc và đẩy mạnh bán hàng trở lại từ đầu quý III/2020, bức tranh chung của ngành bất động sản dự báo không quá bi quan.
Nửa sáng lạc quan
Có quỹ đất lớn trải đều ở TP.HCM và nhiều địa phương lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An hay Bình Định, năm 2020 vẫn là một năm tích cực đối với CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR).
Ghi nhận doanh thu 2.498 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 718 tỷ đồng, tăng 78,6% so với cùng kỳ 2019 trong 9 tháng đầu năm, chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo tập đoàn này tỏ ra rất lạc quan về kết quả kinh doanh cả năm 2020 nhờ vào việc kết chuyển doanh thu các dự án tại Nhơn Hội (Bình Định).
Thực tế, Phát Đạt đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại dự án Phân khu số 9 và bắt đầu bàn giao một số nền đất của dự án cho khách hàng, đồng thời rốt ráo giải quyết các thủ tục pháp lý để bàn giao sản phẩm tại 2 dự án The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3 vốn chiếm tới 46% trong giá trị hàng tồn kho của PDR. Những nguồn thu này, theo đại diện Phát Đạt, “sẽ góp phần giúp doanh thu tăng trưởng đột biến vào cuối năm 2020”.
Tương tự Phát Đạt, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) cũng dự báo kết quả kinh doanh khá lạc quan trong năm 2020 với lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt khoảng 1.140 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, hoạt động bán hàng tại dự án Safari, Verosa Park và Lovera Park lạc quan trở lại đã giúp cho Khang Điền dự kiến có kết quả kinh doanh tốt vào cuối năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mang về 3.241 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 74% và lợi nhuận sau thuế đạt 771 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Báo cáo mới cập nhật của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, 2 dự án trọng điểm (Armena ở quận 9 và Clarita ở quận 2) của Khang Điền được kỳ vọng mở bán từ quý IV/2020 và năm 2021 dự báo có tỷ lệ hấp thụ cao nhờ vị trí đắc địa ở phía Đông TP.HCM và được tiếp sức bởi tuyến Metro số 1, đường Vành đai 2 và cao tốc Hà Nội, cũng như việc sáp nhập quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức thành lập khu đô thị sáng tạo ở phía Đông TP.HCM.
Ở một góc độ khác, nhiều chủ đầu tư bất động sản gặp khó với ngành nghề kinh doanh chính, đã xoay xở và trụ vững nhờ nhiều hoạt động kinh doanh khác. Đơn cử, tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG), các mảng hoạt động chính gồm xây lắp và kinh doanh bất động sản đều giảm mạnh, nhưng nhờ bán một loạt dự án, trong đó có 50% cổ phần tại Liên doanh An Khánh JSC, khiến Vinaconex ghi nhận doanh thu quý III/2020 tăng mạnh, đạt 2.185 tỷ đồng, gấp 31 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Vinaconex ghi nhận 1.450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2019, đồng thời vượt 177% kế hoạch cả năm.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, các doanh nghiệp địa ốc đang đối diện với nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn lại mình, đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Trong kế hoạch, Vinaconex sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cát Bà Amatina – dự án trọng điểm của Tổng công ty, cũng được người đứng đầu doanh nghiệp này coi là “dự án để đời”, vừa tổ chức tái khởi động.
Nửa tối vẫn thấy… ánh sáng cuối đường hầm
Mặc dù không đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng khi 9 tháng đầu năm ghi nhận 151,5 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 9,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn nhiều so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 384 tỷ đồng và 70,9 tỷ đồng, nhưng đối với CTCP Bất động sản Netland (mã chứng khoán: NRC), đây cũng là kết quả không quá kém cỏi xét trong bối cảnh năm nay.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland cho biết, các cổ đông phải chấp nhận thực tế rằng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản năm nay không được đẹp như những năm trước. Ngay cả những đối tác chiến lược của Công ty là một tập đoàn Nhật Bản vốn có tiềm lực mạnh cũng gặp nhiều khó khăn.
“Đối với Netland, chắc chắn kế hoạch không hoàn thành nhưng chúng tôi cố gắng đạt mức lợi nhuận tương đối để nhà đầu tư không quá thất vọng”, ông Quang nói và chia sẻ thêm rằng, với xu hướng thị trường đang phục hồi trở lại, có thể kỳ vọng năm 2021 sẽ tích cực hơn.
Là một trong những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Thuduc House (mã chứng khoán: TDH) cho rằng, đây là tình hình chung, đặc biệt là những doanh nghiệp bất động sản hoạt động ở TP.HCM. Thực tế, theo ông, từ 3 năm nay, rất ít dự án mới ở TP.HCM được chấp thuận đầu tư, nên không thể có sản phẩm bàn giao và có dòng tiền về.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải bàn giao xong căn hộ mới được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, chứ không được ghi nhận theo tiến độ thu tiền, trong khi không ít dự án bị đình lại dù đã gần hoàn thiện.
“Tuy nhiên, đó cũng có thể coi là của để dành và doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu vào năm sau”, ông Chinh cho hay.
Tại báo cáo tài chính mới công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, TDH vẫn lỗ gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo hồi cuối tháng 11/2020, ông Chinh cho biết, Công ty vẫn nỗ lực phấn đấu đạt doanh thu ở mức 2.735 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 314 tỷ đồng.
Khá e ngại khi đề cập đến các con số là tâm lý chung của các lãnh đạo doanh nghiệp khi tình hình kinh doanh không khả quan, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khoảng 50% số doanh nghiệp niêm yết ngành địa ốc cho rằng nếu đạt từ 50 – 70% kế hoạch là may. Do đó, phương châm của nhiều doanh nghiệp hiện tại là tiến hành tái cấu trúc và đảm bảo cân đối các khoản thu chi tài chính để chờ đợi… ánh sáng cuối đường hầm.
Chẳng hạn như trường hợp CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ), doanh thu quý III/2020 giảm mạnh và chỉ đạt 94,8 tỷ đồng, nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, doanh thu hoạt động tài chính tăng cùng với các thu nhập khác tăng theo đã giúp cho lợi nhuận sau thuế quý này đạt 18 tỷ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Điểm sáng của IDJ là trong kỳ đã bắt đầu ghi nhận doanh thu từ dự án Diamond Park Lạng Sơn 47 tỷ đồng và dự án này sẽ tiếp tục “nuôi” IDJ trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo CTCP Văn Phú – Invest cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bán hàng như tận dụng lợi thế của các nền tảng mạng xã hội và xây dựng các chính sách ưu đãi bán hàng mới linh hoạt hơn, hoạt động kinh doanh của VPI trở nên lạc quan hơn vào giai đoạn cuối năm.
Lũy kế 9 tháng, Văn Phú – Invest đạt doanh thu thuần gần 926 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 97 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trong kỳ đến từ việc chuyển nhượng bất động sản ở dự án Grandeur Palace – Giảng Võ và hoạt động cho thuê căn hộ dịch vụ khách sạn tăng mạnh ở căn hộ dịch vụ khách sạn Oakwood Residence Hanoi.
Nhận định chung về thị trường bất động sản Việt Nam 2021, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, 3 động lực tăng trưởng thị trường bất động sản cơ bản là cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn không thay đổi.
Vì vậy, “cú sốc ngắn hạn từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, nhưng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rất nhanh vì nhu cầu sẽ sớm bung ra”, ông nói đồng thời cho rằng, năm 2021 có thể chứng kiến tình trạng cầu vượt cung ở nhiều phân khúc thị trường, nhất là bất động sản công nghiệp và nhà ở.
Theo Trang Việt