Dân trí

Bộ Xây dựng dự kiến thoái hết 49% vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng với mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu, gấp nhiều lần thị giá hiện tại đang giao dịch của doanh nghiệp này.

Bộ Xây dựng muốn thoái sạch vốn tại đứa con cưng đang ngập sâu thua lỗ - 1

Bộ Xây dựng dự kiến thoái 49% vốn Tổng công ty sông Hồng với giá khởi điểm 10.000 đồng một cổ phiếu, gấp 5 lần thị giá giao dịch trên UPCoM.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo tổ chức đấu giá cổ phần Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (SHG) do Bộ Xây dựng sở hữu. 

Thời gian dự kiến đấu giá sẽ là 9h00 ngày 25/12 tới đây. Số lượng cổ phần bán đấu giá hơn 13 triệu – tương đương hơn 49% vốn điều lệ.

Mức giá khởi điểm được đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu, gấp 5 lần thị giá hiện tại của SHG. Hiện cổ phiếu SHG trên Upcom đang có giá khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về dự kiến khoảng hơn 132 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp này từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính – Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)…

Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng đưa cổ phiếu lên giao dịch từ năm 2015 tại vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của SHG gặp nhiều khó khăn, ngập trong thua lỗ. Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. 

Sang đến năm 2020, tính chung 9 tháng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp SHG âm 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đã vượt con số 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 700 tỷ đồng.

Tại báo cáo bán niên năm 2020, đơn vị kiểm toán cho biết, do nợ xấu tín dụng nên tổng công ty không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nợ phải trả cho nghĩa vụ bảo lãnh các công ty con.

Do đó, đơn vị kiểm toán đã nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Tuy nhiên, ban tổng giám đốc công ty cho biết, tổng công ty sông Hồng sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất 12 tháng bằng việc thu hồi các khoản công nợ, kinh doanh cho thuê mặt bằng và hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.

Nguyễn Mạnh